Thị tịch Viên_Văn_Chuyết_Chuyết

Một hôm, sư gọi môn đệ lại nói kệ thị tịch:

瘦竹長松滴翠香

流風疏月度微涼

不知誰住原西寺

每日鐘聲送夕陽

Sấu trúc trường tùng trích thuý hương

Lưu phong sơ nguyệt độ vi lương

Bất tri thuỳ trụ Nguyên Tây tự

Mỗi nhật chung thanh tống tịch dương

Tre gầy thông vót nước rơi thơm

Gió thoảng trăng non mát rờn rờn

Nguyên Tây ai ở người nào biết?

Mỗi chiều chuông nổi đuổi hoàng hôn.

Nói kệ xong, Sư bảo chúng: “Nếu ai động tâm khóc lóc thì không phải là đệ tử của ta“. Sư ngồi kiết già an nhiên thị tịch, nhằm ngày rằm tháng 7 năm Giáp Thân, thọ 55 tuổi. Sau khi sư tịch, vua Lê Chân Tông ban hiệu là Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Ðại Ðức Thiền Sư.

Đệ tử nối pháp là Thiền sư Minh Hành Tại Tại lập tháp Báo Nghiêm ở chùa Bút Tháp để an trí nhục thân của sư, trên đỉnh tháp có hình cây bút. Cư sĩ Âu Dương Phong (người gốc Trung Quốc) viết bài minh trên tháp sư, Âu Dương Phong có nhận xét về con người của sư như sau(trích Việt Nam Phật giáo Sử Luận, tác giả: Thích Nhất Hạnh):

"Tôi học Phật, lánh sang nước Nam, có dịp được hội đàm với thiền sư Chuyết Chuyết tại chùa Khán Sơn ở Thăng Long. Lúc mới gặp, ta có thể nghĩ ông là người khùng. Nhưng lâu ngày, tôi thấy ông là một người rộng rãi thông minh, trong lòng không vướng bận một điều gì. Ông lại có tài ngôn luận, bởn cợt và cả bậc công khanh. Ông đức độ trung hậu, biết kính già yêu trẻ, coi bậc thiên tử như bạn thân, khinh tiền của như cỏ rác...“

Đến nay, trải qua gần 400 năm, nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết vẫn còn nguyên vẹn và hiện nay được tôn trí tại khám thờ ở chùa Phật Tích, Bắc Ninh.